Trên thị trường có nhiều loại máng cáp với rất nhiều vật liệu chế tạo cũng như phần hoàn thiện bề mặt khác nhau. Khi tìm hiểu, các bạn sẽ gặp các sản phẩm như máng cáp sơn tĩnh điện, máng cáp mạ kẽm nhúng nóng … Vậy loại nào phù hợp với yêu cầu của công trình? Sau đây là hướng dẫn chọn máng cáp điện phù hợp, mời các bạn cùng tham khảo.
I. PHÂN LOẠI MÁNG CÁP THEO KHÔNG GIAN SỬ DỤNG
1. Máng cáp sử dụng trong nhà
Các loại máng cáp thường được sử dụng cho công trình “trong nhà thông thường” là máng cáp sơn tĩnh điện hay máng cáp tôn tráng kẽm. “Trong nhà có nghĩa là các vị trí được che chắn không bị mưa nắng trực tiếp”. Hai loại máng này vẫn có thể sử dụng cho môi trường “ngoài trời” với điều kiện thang máng cáp phải được sơn bằng loại sơn tĩnh điện ngoài trời. “Ngoài trời có nghĩa là các vị trí bị mưa, nắng chiếu trực tiếp”.
Tuy nhiên, cũng là môi trường trong nhà nhưng có dung môi bay hơi, môi trường ẩm ướt hoặc những nơi gần biển, có hơi muối thì nên sử dụng máng nhôm hay máng inox 304. Cũng có thể sử dụng máng cáp mạ kẽm nhúng nóng trong điều kiện này. Theo đánh giá của VESA, máng cáp hợp kim nhôm là tối ưu trong trường hợp trên. Nó bền trong môi trường này mà giá thành không cao như Inox 304 nên đạt được hiệu quả tối ưu về kinh tế lẫn kỹ thuật.
2. Máng cáp sử dụng ngoài trời
Công trình ngoài trời thì loại thang máng cáp mạ kẽm nhúng nóng là phù hợp nhất. Nó đạt được sự tối ưu giữa giá thành, chống ăn mòn và độ cứng vững. Mạ kẽm nhúng nóng máng cáp là một quy trình nhúng máng cáp bằng thép vào bể kẽm nóng chảy. Qua đó máng cáp được bao phủ bởi lớp kẽm chống chọi được với các điều kiện của thời tiết. Ví dụ về mạ kẽm nóng bền với thời tiết như là các loại lan can cầu đường hay trụ đèn đường là những minh chứng.
II. PHÂN LOẠI MÁNG CÁP THEO CẤU TẠO
Hệ thống máng cáp tuỳ theo cấu tạo mà phân ra loại:
- Máng cáp có đáy kín
- Máng cáp có đáy đục lỗ
- Máng thang cáp
- Máng lưới
- Máng cáp dạng lưới
Trong hệ thống còn có các loại:
- Nắp đậy: Dùng để đậy thang máng và các chi tiết nối
- Co ngang: Dùng để chuyển hướng hệ thống máng thang theo phương ngang
- Chữ tê hay ngã ba: Dùng để chia hệ thống đi dây theo ba hướng
- Chữ thập hay ngã tư: Dùng để chia hệ thống đi dây theo bốn hướng
- Co đứng (lên hoặc xuống): Dùng để chuyển hướng hệ thống máng thang theo phương đứng.
Ngoài ra còn có một số loại như:
- Co lơi
- Nối giảm
- Chữ Z
- Nối thẳng
III. CHỌN MÁNG CÁP THEO DÂY CÁP
1. Các định nghĩa
- Các kích thước tính theo đơn vị mm
- OD: đường kính cáp (bao gồm lớp cách điện, chống nhiễu)
- OD1…ODn: đường kính cáp chủng loại 1…n
- ODmax: đường kính loại cáp lớn nhất
- m1…mn: số lượng cáp chủng loại 1…n
- d: khoảng cách giữa các sợi cáp
- S: % khoảng trống dự phòng (để lắp đặt thêm cáp sau này)
- TOD: tổng đường kính các sợi cáp
- TW: tổng chiều ngang cáp lắp đặt bao gồm khoảng cách giữa các sợi cáp
- TS: tổng diện tích mặt cắt ngang lắp đặt cáp bao gồm dự phòng
- F: % diện tích lắp đặt 40% ÷ 60%
- SC: diện tích mặt cắt ngang thang máng cáp cần thiết để lắp đặt cáp
- R: bán kính của co, tê, thập
2. Công thức tính
Tính tổng đường kính các sợi cáp TOD = OD1*m1+ … +ODn*mn
Tính tổng chiều ngang cáp lắp đặt bao gồm khoảng cách giữa các sợi cáp TW = (TOD+d*(m1+…+mn))
Tính tổng diện tích mặt cắt ngang lắp đặt cáp bao gồm dự phòng TS = (TW*ODmax)*(1+s/100))
Diện tích mặt cắt ngang thang máng cáp cần thiết để lắp đặt cáp SC = TS*(1+F/100)
Chọn thang máng cáp có chiều cao khả dụng (H)> ODmax từ đó tính ra chiều ngang khả dụng (W) > SC/H
Tính bán kính co, tê, thập R = 10*ODmax
3. Ví dụ
Tính kích thước máng cáp dùng để lắp đặt cáp với khoảng cách giữa các sợi cáp d=5mm, dự phòng 20%, diện tích lắp F=50%, số lượng và chủng loại như sau:
Cáp Cadivi CVV 240mm2 → OD=26.6mm. Số lượng = 3
Cáp Cadivi CVV 185mm2 → OD=23.8mm. Số lượng = 1
Cáp Cadivi CVV 95mm2 → OD=17.9mm. Số lượng = 3
Cáp Cadivi CVV 50mm2 → OD=13.9mm. Số lượng = 4
Cáp Cadivi CVV 16mm2 → OD=9.6mm. Số lượng = 2
Tính TOD = 26.6*3+23.8*1+17.9*3+13.9*4+9.6*2 = 232.1
Tính TW = 232.1+5*(3+1+3+4+2) = 297.1
Tính TS = 297.1*26.6*(1+20/100) = 9483
Tính SC = 9483*(1+50/100) = 14225
Với máng cáp có H = 50 → W = 14225/50 = 284.5 → Chọn máng cáp H = 50mm, W = 300mm
Với máng cáp có H = 100 → W = 14225/100 = 142.25 → Chọn máng cáp H = 100mm, W = 150mm
Tính R = 10*26.6 = 266 → Chọn bán kính co, tê, thập R = 300mm.
Trên đây là các là hướng dẫn chọn máng cáp điện phù hợp với yêu cầu từng loại công trình. Mời bạn đọc tham khảo. Để biết thêm các thông tin tư vấn cần thiết về các sản phẩm của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ Hotline: 0904 571 488. Trân trọng./.