Sự cố về điện trong vận hành trạm xử lý nước thải

Vận hành hệ thống xử lý nước thải không đơn giản và được chia ra làm nhiều giai đoạn. Để đảm bảo việc vận hành đạt được hiệu quả thì đòi hỏi cán bộ kỹ thuật vận hành phải nắm rõ quy trình hoạt động của hệ thống. Nên có kế hoạch vận hành, bảo trì, kiểm tra hệ thống, thiết bị, máy móc, hệ vi sinh, các bể xử lý, hệ thống lọc, khử trùng… Vì vậy việc vận hành hệ thống xử lý nước thải yêu cầu cán bộ vận hành phải có chuyên môn, kinh nghiệm về xử lý nước thải.

Do liên quan đến nhiều yếu tố nên trong quá trình vận hành không ít lần cán bộ kỹ thuật gặp phải tình trạng hệ thống xử lý nước thải gặp một số sự cố. Một trong rất nhiều nguyên nhân là do cán bộ vận hành thiếu chuyên môn về điện.  Sau đây, mời các bạn cùng VESACO tìm hiểu về một số nguyên nhân và cách khắc phục  sự cố với hệ thống điện  trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Trước khi đi vào tìm hiểu các sự cố và nguyên nhân thường gặp với hệ thống điện TXLNT, chúng ta cần nắm được thành phần cơ bản của 1 hệ thống điện bao gồm :

– Tủ điện điều khiển trung tâm.

– Tủ điện thiết bị đo, tủ điện hố gom, tủ điện đấu nối .

– Hệ thống thang máng cáp, ống bảo vệ, dây cáp điện.

Tủ điện điều khiển trung tâm

Thường được chế tạo bằng thép sơn tĩnh điện, inox. Dạng treo tường hoặc có chân đế. Tủ có thể đặt trong nhà hoặc ngoài trời.

Chức năng của tủ điện điều khiển trung tâm là cấp nguồn động lực,bảo vệ và  điều khiển – giám sát hoạt động của toàn bộ thiết bị trong hệ thống. Tủ có các thành phần chính sau :

– Thiết bị đóng cắt : Aptomat, Contactor, Role nhiệt

– Thiết bị điều khiển: PLC hoặc timer

– Thiết bị phụ trợ: Role trung gian, đèn báo, nút nhấn, Switch chuyển mạch, đèn báo pha….

Để nắm rõ hơn về cấu tạo, chức năng của các thiết bị trong tủ điện điều khiển trạm xử lý nước thải vui lòng xem lại bài viết dưới đây :

Tủ điện thiết bị đo, tủ điện hố gom, tủ điện đấu nối

Các tủ điện này thường được đặt ngoài trời, dùng để gá lắp bộ hiển thị của các thiết bị đo hoặc cấp nguồn điều khiển có 1 hoặc 2 bơm hố gom, để đấu nối giữa phần dây điện kéo từ tủ trung tâm và dây nguồn của các thiết bị như bơm chìm , máy khuấy chìm….

Hệ thống thang máng cáp, ống bảo vệ , dây cáp điện

Dây cáp điện trong hệ thống xử lý nước thải có chức năng truyền tải điện hoặc tín hiệu điều khiển từ tủ điện tới thiết bị. Bao gồm  lõi dẫn điện bằng đồng hoặc nhôm và lớp vỏ cách điện PVC, XLPE, DSTA….

Hệ thống thang máng cáp và ống bảo vệ có chức năng chống đỡ, bảo vệ hệ thống dây cáp điện khỏi các tác động từ bên ngoài . Thường được chế tạo bằng thép sơn tĩnh điện, tôn Zam hoặc nhựa chống cháy.

Sau khi nắm được những thành phần cơ bản , Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục với các lỗi trong hệ thống điện trạm xử lý nước thải .

1. Tủ điện bị mất pha, đảo pha, hoặc sự cố điện áp

Biểu hiện

 – Đèn báo pha trên tủ điện không sáng ( Mất pha ) .

– Volt kế  không chỉ thị( Mất pha ) hoặc giá trị hiển thị cao hơn định mức  ( Sự cố điện áp ).

– Các thiết bị trong hệ thống không hoạt động ( Mất 2 hoặc 3 pha ) , kêu to hoặc rung lắc bất thường, quay ngược chiều so với thiết kế ( Đảo pha hoặc sự cố điện áp ).

– Hệ thống Role bảo vệ pha của tủ điện tác động.

Nguyên nhân

– Do sai sót trong quá trình sửa chữa, đấu nối cấp nguồn cho hệ thống.

– Do sự cố thiết bị đóng cắt, máy biến áp hoặc hệ thống dây cáp điện truyền tải gặp sự cố.

– Do tính toán sai về công suất máy biến áp, dây dẫn cấp nguồn dẫn tới sụt áp .

Cách kiểm tra, khắc phục

– Sử dụng đồng hồ đo chuyên dụng để xác định chính xác sự cố đang gặp phải.

– Kiểm tra thứ tự pha, đấu nối lại cho đúng.

– Điều chỉnh công suất máy biến áp, tăng kích thước dây dẫn cấp nguồn tới hệ thống.

2. Tủ điện bị mất nguồn điều khiển

Biểu hiện

– Nguồn cấp tới tủ điện vẫn đảm bảo.

– Các thiết bị trong tủ điện  như đèn báo, màn hình điều khiển, PLC.. không hoạt động.

– Các thiết bị trong hệ thống không hoạt động.

Nguyên nhân

– Cháy cầu chì điều khiển, hư hỏng Aptomat điều khiển.

– Nút nhấn E-Stop vô tình bị tác động.

– Hư hỏng các bộ nguồn 24VDC hay biến áp nguồn .

Cách kiểm tra, khắc phục

– Kiểm tra và trả lại trạng thái ban đầu cho nút nhấn E- Stop.

– Sử dụng đồng hồ chuyên dụng đo và thay thế nếu hư hỏng các bộ nguồn 24VDC hay biến áp nguồn.

– Nếu cầu chì điều khiển bị cháy hoặc Aptomat điều khiển tác động cần tiến hành kiểm tra chi tiết hệ thống mạch điều khiển nhằm xác định vị trí chạm chập, hư hỏng để tiến hành sửa chữa, thay thế.

3. Động cơ bị quá tải, mất pha, chạm vỏ

Biểu hiện

– Động cơ không hoạt động, hoặc  hoạt động với nhiệt độ cao bất thường, tiếng kêu to, rung lắc.

– Aptomat, Role nhiệt tác động.

– Biến tần của động cơ báo lỗi ( Nếu có ).

– Đèn báo Fault trên cánh tủ sáng.

Nguyên nhân

– Lựa chọn động cơ không đúng, tính toán sai công suất.

– Nguồn cấp cho động cơ không đảm bảo , không đúng với điện áp định mức, mất pha, đảo pha. Do thiết bị đóng cắt hoặc dây dẫn bị sự cố.

– Động cơ bị kẹt tải, hư hỏng vòng bi, bạc đạn.

– Động cơ hoạt động trong môi trường quá nóng, dẫn tới hư hỏng cách điện của dây quấn, chạm vỏ và cháy động cơ.

– Động cơ hoạt động trong môi trường ẩm hoặc nước vào bên trong động cơ dẫn tới chạm vỏ. 

Cách kiểm tra và khắc phục

– Sử dụng đồng hồ chuyên dụng để do kiểm tra điện trở cuộn dây, điện trở cách điện của động cơ và tiến hành sửa chữa nếu có hư hỏng.

– Kiểm tra lại nguồn cấp cho động cơ, siết lại đầu cos và các vị trí đấu nối

– Kiểm tra xem động cơ có bị kẹt hay không.

– Kiểm tra lại tình trạng của các thiết bị đóng cắt.

– Kiểm tra dòng điện khi hoạt động không tải và có tải của động cơ, so sánh với dòng định mức. Xác định chính xác công suất cần thiết cho thiết bị.

– Đảm bảo động cơ hoạt động trong môi trường với nhiệt độ và độ ẩm cho phép.

4. Thiết bị không hoạt động Auto /Man

Biểu hiện

– Thiết bị không chạy tự động theo chương trình đã cài đặt trên PLC hoặc thời gian trên timer sau khi đã chuyển trạng thái Switch chuyển mạch sang Auto.

– Thiết bị không hoạt động sau khi chuyển trạng thái Switch chuyển mạch sang Man.

Nguyên nhân

– Tủ điện bị mất pha, đảo pha hoặc mất nguồn điều khiển.

– Aptomat, Role nhiệt của thiết bị tác động do động cơ bị quá tải, mất pha, chạm vỏ

– Do hư hỏng PLC hoặc timer, lỗi chương trình điều khiển.

– Do chưa đủ điều kiện để đáp ứng điều kiện hoạt động theo chương trình điều khiển như điều kiện phao, điều kiện thời gian, tín hiệu từ cảm biến hoặc hư hỏng Swtich chuyển mạch.

Cách kiểm tra, khắc phục

– Kiểm tra nguồn điện, nguồn điều khiển của tủ điện.

– Kiểm tra xem Role nhiệt, Aptomat của thiết bị có tác động hay không. Nếu có kiểm tra tiếp tình trạng động cơ, dây dẫn điện và sửa chữa .

– Kiểm tra mã lỗi của biến tần. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất để xác định lỗi và khắc phục.

– Kiểm tra tình trạng hoạt động của PLC, timer.

– Kiểm tra lại các điều kiện đáp ứng để hoạt động theo chương trình điều khiển ( Điều kiện về thời gian, phao báo mức, cảm biến PH, switch chuyển mạch….). Thiết bị có thể chưa hoạt động do chưa đáp ứng đủ tất cả các điều kiện cần hoặc do hư hỏng cảm biến, phao báo mức, tiến hành thay thế nếu cần.

5. Hư hỏng hệ thống máng cáp, ống bảo vệ, dây dẫn

Biểu hiện

– Hệ thống thang máng cáp bị bong tróc, hoen rỉ, tăng nhiệt bất thường.

– Aptomat , role nhiệt của thiết bị tác động, thiết bị không thể hoạt động do dây dẫn cấp nguồn bị chạm chập, mất pha.

– Các đường truyền tín hiệu từ cảm biến về tủ điện gặp sự cố.

Nguyên nhân

– Do chọn sai loại thang máng cáp, ống bảo vệ ( Vật liệu, kích thước ), không đúng với mục đích sử dụng và môi trường làm việc.

– Bố trí quá nhiều dây dẫn trong máng cáp, ống bảo vệ dẫn tới nhiệt lượng phát ra quá cao, hư hỏng hệ thống dây dẫn.

– Do không tiến hành nối tiếp địa máng, gây phát sinh nhiệt và gây nhiễu các tín hiệu điều khiển.

– Do không bịt kín các vị trí hở sau khi lắp đặt hoàn thiện, chuột có thể theo vào và phá hoại dây dẫn.

– Do lựa chọn dây dẫn không đúng với môi trường làm việc.

Cách kiểm tra và khắc phục

– Kiểm tra và thay thế dây cáp điện cho đúng với môi trường làm việc . Có thể tham khảo theo bài viết dưới đây :

– Kiểm tra và thay thế máng cáp, ống bảo vệ đáp ứng các tiêu chí sau :

  • Số lượng sợi cáp.
  • Kích thước ngoài của cáp dẫn.
  • Bán kính uốn cong cho phép của cáp.
  • Tổng trọng lượng cáp.
  • Không gian cho việc lắp đặt.

– Lựa chọn vật liệu chế tạo máng cáp và ống bảo vệ theo tiêu chí sau :

  • Nhựa PVC chống cháy : Trong nhà.
  • Sơn tĩnh điện: Dùng trong nhà.
  • Mạ kẽm điện phân: Dùng trong nhà và những nơi ít chịu tác động của môi trường.
  • Mạ kẽm nhúng nóng: Dùng ngoài trời, môi trường biển.

– Tiến hành tiếp địa nối máng và sử dụng keo bọt, silicon bịt kín các đầu ống, khe hở trên máng cáp.

6. Hử hỏng hệ thống tủ đấu nối, thiết bị đo, hố gom

Biểu hiện

– Các thiết bị tại hố gom, thiết bị đo không hoạt động hoặc hoạt động không chính xác.

– Aptomat, Role nhiệt của thiết bị tác động.

Nguyên nhân

– Do thiết kế và lựa chọn vật liệu, lắp đặt không đúng quy cách dẫn tới hơi ẩm gây hư hỏng thiết bị.

Cách kiểm tra, khắc phục

– Kiểm tra độ ẩm. tình trạng rỉ sét của vỏ tủ, thiết bị lắp đặt trong tủ.

– Lựa chọn và thay thế vật liệu cho phù hợp với vị trí lắp đặt.

– Sử dụng vật tư đáp ứng tiêu chuẩn chống nước tại các vị trí ngoài trời hoặc dưới bể.

Qua bài viết chúng tôi đã đề cập đến những sự cố thường gặp  và nguyên nhân gây ra chúng và cách khắc phục để bạn có thể kiểm tra  trong công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải. Với 15 năm kinh nghiệm, VESACO tự tin chia sẻ kiến thức để giúp bạn tự tin hơn trong công tác vận hành trạm xử lý nước thải. Quý khách có nhu cầu cải tạo, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống của mình vui lòng liên hệ .

VPGD – Công ty TNHH Nước và Vệ sinh Môi trường Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 2, Toà D, Khu Việt Đức Complex, Ngõ 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline: 0904 571 488